Máy hàn TIG có cả loại một chiều và xoay chiều. Các máy hàn được thiết kế riêng cho từng mục đích khác nhau phụ thuộc vào vật liệu hàn và đặc tính hồ quang cần có.
– Dòng một chiều: dòng một chiều sẽ có hai kiểu đấu dây là phân cực thuận và phân cực nghịch (theo như quy ước trong hàn hồ quang). Tuy nhiên, phân cực nghịch ít khi dùng trong hàn TIG do kiểu đấu dây này có nhược điểm là hồ quang không ổn định, chiều sâu thấu kém và chóng mòn điện cực. Ưu điểm duy nhất của phương pháp này là tác động làm sạch lớp Oxit trên bề mặt vật liệu, có tác dụng tốt khi hàn các kim loại dễ bị Oxy hóa như nhôm và magie. Tuy nhiên hầu hết các kim loại khác đều không cần đến quá trình này do đó trong han TIG chủ yếu là dùng phương pháp phân cực thuận. Phân cực thuận là tạo hồ quang ổn định hơn, chiều sâu thấu tốt hơn so với phân cực nghịch dẫn tới mối hàn ít bị ứng suất và biến dạng hơn.
– Dòng xoay chiều: dĩ nhiên đó sẽ là sự kết hợp của cả phân cực thuận và phân cực nghịch. Do đó khi ở vào nửa chu kì phân cực nghịch, nó cũng có tác dụng tẩy bỏ lớp Oxit trên bề mặt. Vì thế khi hàn các kim loại như nhôm, magie, và đồng thanh berili. thường ưu tiên sử dụng dòng AC hơn là dòng DC phân cực nghịch. Với các kim loại này, việc tẩy bỏ Oxit bề mặt đóng vai trò rất quan trọng để có thể thu được các mối hàn đẹp và sạch.
Các máy hàn DC thường sử dụng một dòng cao tần để gây hồ quang ban đầu (gọi là bổ sung cao tần) còn đối với máy hàn AC thì dòng cao tần này được duy trì liên tục. Các máy hàn TIG thông thường đều hoạt động trong phạm vi dòng điện từ 3 đến 350A, với điện áp từ 10 đến 35V và hệ số tải là 60%. Các máy hàn cao tần có thể sử dụng với các nguồn điện AC và DC thông thường. Nguồn AC phải có điện áp không tải tối thiểu là 75V.
(Nguồn: vnWelding)